Mùa lạnh là mùa khiến cho làn da của bạn luôn trong tình trạng không khỏe, bởi những tác hại có trong không khí, thời tiết, ảnh hưởng xấu đến làn da, cụ thể là khô da, bong tróc, nặng hơn có thể gây ra nhiều hệ lụy như nhiễm khuẩn, phù thanh quảng, khó thở, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Sau đây sẽ giới thiệu bạn 5 bệnh lý về da phổ biến nhất và cách phòng ngừa hiệu quả.
1/ Ngứa do lạnh
Ngứa ngoài da là tình trạng thường gặp vào mùa lạnh, khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Cụ thể bệnh có biểu hiện ngứa từ lâm râm đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khiến người bệnh khó ngủ, thậm chí là mất ngủ. Khi ngứa kéo dài, người bệnh gãi liên tục sẽ gây trầy xước, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn.
Ngứa da chủ yếu do da bị viêm, á sừng, vẩy nến, bên cạnh đó do trời lạnh chức năng điều tiết mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm da khô, nứt sinh ra ngứa. Bệnh ngứa da chỉ có thể điều trị khỏi từng đợt, khó dứt điểm, khi thời tiết ấm lên bệnh sẽ giảm và chấm dứt.
2/ Bệnh vảy cá
Bệnh vảy cá là bệnh có tính chất di truyền hoặc mắc phải khi da không loại bỏ được các tế bào chết của nó. Khi các tế bào chết khô, tích tụ sẽ tạo thành các mảng bám xếp chồng lên nhau như vảy cá. Đây là tình trạng khá phổ biến, nam nữ đều có thể mắc phải, nhất là vào mùa lạnh với các biểu hiện gồm:
Da khô, đóng vảy
Các vảy nhỏ, xếp lớp
Vảy có màu trắng, xám bẩn hoặc nâu – vảy sẫm màu thường ở da sẫm màu
Da đầu bong từng mảng
Các vết nứt sâu và đau ở da
Ở mức độ nhẹ bệnh thường gặp ở tay, chân, nhiều nhất là ở chân. Tình trạng nặng hơn sẽ xuất hiện ở thân, lưng, những vảy đa giác đường kính từ 0.5-1cm màu nâu, vàng nhẹ hoặc trắng đục, dính chặt, bờ hơi tróc ra khỏi mặt da. Bên cạnh đó bệnh vảy cá còn có thể đi kèm theo các biểu hiện của bệnh dị ứng như chàm, mề đay, suyễn…
3/ Bệnh chàm khô (chàm tăng sừng, nứt nẻ)
Chàm khô là một biến thể của bệnh chàm, thường xảy ra vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô, đặc biệt khi da tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa có độ kiềm càng cao thì bệnh càng nặng.
Bệnh khiến cho những vùng da bị đau, ngứa, rát, từ vết thương nhỏ dẫn đến nhiễm trùng da, bội nhiễm vô cùng nghiêm trọng.
Biểu hiện của bệnh:
Da khô ở lòng bàn tay, bàn chân thô ráp, cảm giác kim chích
Da sưng tấy mẩn đỏ, ngứa ngáy, nứt nẻ có thể kèm chảy máu
Lớp vảy bong tróc
Xuất hiện mụn nước kích thước lớn, cảm giác đau rát
Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu cho người mắc phải, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị có thể gây bội nhiễm vô cùng nguy hiểm, để lâu da dễ tạo thành sẹo lõm, làm mất thẩm mỹ.
4/ Bệnh mề đay do lạnh
Không khí lạnh là nguyên nhân khiến bệnh mề đay trở nặng, phát ban trên da, hiện tượng đi kèm với tình trạng ngứa ngáy khó chịu và sưng tấy, phù nề. Bệnh thường xuất hiện ở vùng tì đè, khá phổ biến nên nhiều người thường chủ quan. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, bệnh nặng có thể gây phù thanh quản dẫn đến tử vong.
5/ Bệnh vẩy nến
Vảy nến là bệnh thường gặp vào mùa đông, chủ yếu do các tổn thương da đi kèm ngứa ngáy khó chịu. Biểu hiện của bệnh là các dát đỏ có vẩy trắng phủ lên bề mặt, vảy dày, nhiều lớp xếp chồng lên nhau dễ bong giống như giọt nến. Vị trí hay gặp là khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, mông… Bệnh thường dai dẳng và có thể lan ra toàn thân, gây ra chứng viêm, biến dạng ở khớp.
Cách phòng ngừa bệnh về da vào mùa lạnh, ai cũng cần biết
Mùa lạnh là giai đoạn cơ thể dễ bị mắc bệnh, trong đó bệnh về da là một trong những bệnh phổ biến. Đặc điểm chung của các bệnh về da mùa lạnh là thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Da bị khô, mất nước
Da tiếp xúc với không khí lạnh đột ngột
Da tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, xà phòng
Da ít tiết mồ hôi và các axit hữu cơ khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.
Chính vì vậy, để ngừa bệnh da liễu vào mùa đông, chúng ta cần biết cách bảo vệ làn da trước các tác nhân gây bệnh ở trên. Cụ thể có thể điểm qua những cách phòng ngừa gồm:
Uống đủ nước, ưu tiên nước ấm, hạn chế sử dụng các thức uống làm cơ thể mất nước như cà phê, rượu, bia…
Giữ ấm cho cơ thể, tránh để lạnh đột ngột, tránh ra đường vào sáng sớm khi thời tiết lạnh
Chú ý vệ sinh thân thể sạch sẽ, dưỡng ẩm cho da sau khi tắm, tẩy da chết
Không chà xát mạnh vào da, tránh dùng bàn chải lớn cọ lên da làm da tổn thương
Hạn chế tiếp xúc với xà phòng, các hóa chất tẩy rửa, nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm lành tính, chiết xuất từ thiên nhiên…
Đeo găng tay, ủng khi làm việc với hóa chất như rửa chén, lau sàn, cọ toilet…
Sử dụng quần áo thoải mái, mềm mại, không mặc đồ quá chật, nhất là với trẻ em, đối tượng dễ mắc các bệnh về da vào mùa đông
Với trẻ, người lớn nên chú ý cắt móng tay thường xuyên, tránh để trẻ giã khi mắc bệnh
Tăng cường dinh dưỡng, vitamin từ rau xanh, trái cây…
Vận động ít nhất 30p mỗi ngày, duy trì liên tục để tăng cường đề kháng cho cơ thể
Mùa đông là thời điểm cơ thể dễ bị ốm, chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả gia đình, chị em – người chăm sóc sức khỏe của tổ ấm cần chú ý nắm các lưu ý trên để bảo vệ bản thân và những người thân yêu trong mùa rét đậm này nhé!
Comments