Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán. Chị em nhà mình đã chuẩn bị dưa hành củ kiệu ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ hay chưa? Nếu chưa, Nam Long sẽ hướng dẫn chị em cách làm củ kiệu chua ngọt, giòn ngon để thưởng thức trong mùa Tết này nhé!
Không đơn thuần chỉ là một món ăn kèm ngon, lạ miệng. Theo y học cổ truyền, củ kiệu có tính cay, ấm, được xem là một vị thuốc bổ giúp lưu thông cơ thể, tốt cho người bệnh tiểu đường, khó tiêu, đầy hơi. Khi được ngâm chua, củ kiệu hỗ trợ chống lại xơ vữa động mạch, ngăn ngừa máu đông, lợi tiểu, hạ huyết áp, ức chế vi khuẩn… Chính vì vậy, cứ đến Tết, người Việt thường có thói quen phơi, ngâm củ kiệu để làm món ăn kèm vừa giải ngấy các món dầu mỡ vừa chống khó tiêu, tốt cho sức khỏe.
1/ Sơ chế củ kiệu
Cách làm củ kiệu đơn giản không quá khó, đầu tiên chị em cần chuẩn bị kiệu. Sau đó mang đi sơ chế với các bước sau:
Bước 1: Lượng kiệu sử dụng tùy thuộc vào sở thích, nhu cầu sử dụng của mỗi người, mỗi gia đình. Chị em nên chọn kiệu có kích thước vừa, không quá lớn và nên đều nhau để vừa đẹp, ăn lại vừa miệng từng miếng không bị lớn quá. Sau khi mua về, chị em mang củ kiệu ngâm với muối hạt tầm 8 tiếng để kiệu nhả hết chất bẩn. Lưu ý không ngâm lâu kiệu dễ bị ngấm mặn.
Bước 2: Tiếp tục vớt kiệu ra, cắt phần rể và đuôi. Lưu ý không cắt phần đầu quá sâu, chỉ cắt ở gốc rễ, nếu không kiệu bị ngấm nước dể ủng, mất đi vị giòn ngon. Sau đó chị em mang kiệu ngâm vào nước muối để giảm hăng trong 30 phút, sau đó ngâm thêm với nước đá tầm 5-10 phút cho kiệu có độ giòn rồi vớt ra để ráo.
Bước 3: Mang kiệu đi phơi nắng 1 ngày cho héo. Chú ý giữa ngày thì trở kiệu lại cho kiệu héo đều. Chú ý phơi vừa đủ, tránh để kiệu quá héo, khô khi ngâm kiệu sẽ bị dai, mất độ giòn. Sau khi phơi xong, chị em tiến hành lột bớt màng kiệu và rẻ còn sót lại để kiệu trong đẹp mắt hơn.
2/ Cách làm củ kiệu chua ngọt, mắm đường giòn ngon, không bị hăng để được lâu
Có nhiều cách làm củ kiệu khác nhau như kiệu chua ngọt, kiệu ngâm mắm mặn. Tùy vào sở thích của mỗi người mà lựa chọn cách làm khác nhau. Dưới đây Nam Long sẽ chỉ chị em 2 cách làm củ kiệu cơ bản nhất.
Cách 1: Làm củ kiệu chua ngọt
Để có hũ dưa kiệu chua ngọt, chị em cần chuẩn bị:
500g củ kiệu (tùy vào sở thích có thể tăng thêm, nếu tăng thì lượng đường và giấm cũng tăng lên)
Một ít muối hạt và ớt khô (chị em có thể thay thế bằng ớt tươi nếu thích)
200g đường cát trắng
200g giấm ăn
Một ít muối tan
Hũ thủy tinh dung tích vừa đủ với 500g kiệu (nên dư 1 khoảng phía trên) đã được làm sạch, khử trùng càng tốt.
Cách làm như sau:
Bước 1: Củ kiệu sau khi đã sơ chế sạch sẽ. Chị em xếp vào hũ từng lớp, mỗi lớp tầm 2cm. Cứ mỗi lớp kiệu thì rải 1 lớp đường và ít muối. Lặp lại các lớp cho đến khi đầy hủ. Đừng quên thêm ít ớt.
Bước 2: Hòa tan 200ml giấm với 1 muỗng canh đường, ¼ muỗng cà phê muối cho vào nồi đun nhỏ lửa trong 15 phút cho keo lại. Đợi nguội thì đổ vào hũ kiệu cho thấm là được. Đợi tầm 7-10 ngày là đường muối hòa tan là có thể sử dụng.
Mẹo: Để giữ kiệu được lâu hơn chị em có thể thêm ¼ thìa muối khi đường tan (tầm sau 7-10 ngày) để kiệu được lên men tự nhiên. Với cách này có thể giữ kiệu được cả năm trong tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần vớt ra hũ khác trước 3 ngày là được.
Cách 2: Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm hay dưa kiệu mặn
Để có hũ dưa kiệu mắm mặn, chị em cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
500 g củ kiệu
Muối hạt, ớt khô
200ml nước mắm ngon
300g đường cát
Hũ thủy tinh dung tích vừa đủ với 500g kiệu (nên dư 1 khoảng phía trên) đã được làm sạch, khử trùng càng tốt.
Cách làm như sau:
Bước 1: Kiệu sau khi phơi khô, chị em xếp vào hũ, kèm theo ít ớt khô hoặc ớt trái tùy thích.
Bước 2: Hòa tan 300g đường và 200ml nước mắm nấu trong 20-25 phút cho hỗn hợp keo lại. Đợi nguội hoàn toàn chị em đổ vào hũ kiệu. Sau đó dùng 1 thanh đè lên trên lọ để tránh kiệu bị nổi váng. Sau đó đậy kín nắp, không để không khí lọt vào trong hũ.
Mẹo: Ngâm chừng 3 ngày, nước trong hũ kiệu sẽ làm loãng mắm. Lúc này chị em đổ nước mắm ra, đun lại lần 2 cho keo. Đợi nguội hoàn toàn rồi mới đổ lại vào hũ kiệu. Với cách này chị em có thể giữ hũ kiệu cả năm trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách làm hũ kiệu ngày Tết ngon hơn
Ngoài hũ kiệu, để hũ dưa ngon hơn, đa dạng màu sắc và hương vị hơn, chị em mình có thể thêm một ít cà rốt, đu đủ xắt lát hoặc tôm khô. Lưu ý, với cà rốt và đu đủ, chị em nên sơ chế sạch, thái lát rồi phơi cùng kiệu cho héo thì ăn sẽ dai ngon hơn rất nhiều.
3/ Cách sử dụng và bảo quản củ kiệu đúng chuẩn, tốt cho sức khỏe
Củ kiệu sau khi ngâm chừng 7-10 ngày là chị em có thể múc ra để sử dụng, ăn kèm với cơm, bún, bánh chưng, bánh tét, bánh dày, thịt đông, thịt kho tàu…. đều ngon.
Cách sử dụng để kiệu không bị hư: Khi sử dụng, chị em nên dùng muỗng, thìa hoặc muôi sạch, khô ráo để hạn chế vi khuẩn tấn công khiến hũ kiệu dễ bị chua, nhanh hỏng. Nguyên tắc là ăn chừng nào vớt ra chừng đó, không nên múc quá nhiều ăn không hết phí. Đặc biệt tuyệt đối với củ kiệu, nước kiệu đã ăn, ăn không hết tuyệt đối chị em không đổ ngược lại vào hũ để tránh hủ kiệu hỏng sớm.
Cách bảo quản hũ kiệu: Tốt nhất chị em nên bảo quản hũ kiệu trong ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát, tránh để dưới ánh nắng mặt trời hũ kiệu sẽ dễ bị lên men, hỏng sớm. Lưu ý, sau 7-10 ngày dưa kiệu lên men ăn được, trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản, chị em nên bỏ bớt phần nước ngâm để làm chậm quá trình lên men sẽ tốt hơn.
Như vậy, Nam Long đã hướng dẫn xong chị em cách làm củ kiệu đón Tết theo 2 cách là chua ngọt kiểu ưa chuộng của người miền Nam và củ kiệu ngâm mặn theo kiểu người miền Trung. Tùy theo sở thích mà chị em có thể chọn cách làm phù hợp.
Mong rằng chị em sẽ làm thành công món dưa kiệu của mình để chiêu đãi cả gia đình ăn kèm với các món trong ngày Tết, vừa tiết kiệm vừa an toàn cho sức khỏe thay vì mua bên ngoài.
Nguồn: Găng tay cao su Nam long
Comentarios